1. Tên ngành đào tạo:
- Tiếng Việt: Y sỹ đa khoa
- Tiếng Anh: General medical doctor assistant
2. Trình độ đào tạo: Cao đẳng. Hệ đào tạo: Chính quy
3. Mục tiêu chung: Đào tạo người Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng:
-Có kiến thức, kỹ năng chuyên môn ở trình độ cao đẳng, làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân tại tuyến y tế cơ sở.
- Cóđạo đức, lương tâm nghề nghiệp,có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng người bệnh.
- Có đủ sức khỏe, không ngừng học tập để nâng cao trình độ.
4. Chuẩn đầu ra:
4.1. Về kiến thức:
- Trình bày và vận dụng được các kiến thức cơ bản về cấu tạo, hoạt động và chức năng của cơ thể con người, sinh lý bệnh - miễn dịch, triệu chứng học, bệnh học, bệnh chuyên khoa,... để phân tích, hoạch định và thực hiện chẩn đoán, điều trị một số bệnh thông thường.
- Trình bày và phân tích được sự tác động qua lại giữa môi trường sống và sức khỏe con người, các biện pháp duy trì và cải thiện điều kiện sống để bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
- Hiểu rõ và thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản về chẩn đoán, điều trị và phòng một số bệnh thông thường.
- Trình bày và vận dụng được các kiến thức về công nghệ thông tin, ngoại ngữ đã được học vào công việc hành nghề y sau khi tốt nghiệp.
- Trình bày và phân tích được về luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực hiện đúng các nội dung cơ bản của Luật Khám chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hành nghề y.
4.2. Về kỹ năng:
* Kỹ năng cứng:
- Thực hiện được việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị một số bệnh thông thường.
- Phát hiện sớm và xử trí ban đầu các trường hợp cấp cứu tại tuyến y tế cơ sở và chuyển tuyến nếu vượt quá phạm vi chuyên môn theo quy định.
- Làm được một số thủ thuật theo qui định của Bộ Y tế.
- Quản lý và triển khai thực hiện được các chương trình y tế trong hệ thống y tế Việt Nam hiện hành;phát hiện sớm dịch bệnh, lập kế hoạch, triển khai thực hiện phòng bệnh và chống dịch.
* Kỹ năng mềm:
- Có kỹ năng giao tiếp tốt, đặc biệt là giao tiếp tốt với bệnh nhân và đồng nghiệp.
- Rèn luyện cho các Y sĩ làm việc với thái độ chuyên nghiệp, nhiệt tình, tâm huyết, chu đáo, luôn tôn trọng cảm thông cho người bệnh.
- Phối hợp làm việc nhóm tốt, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
-Có khả năng ứng dụng tốt các kiến thức về ngoại ngữ, tin học vào công tác khám, chữa bệnh.
4.3. Về năng lực tự chủ và trách nhiệm:
- Thực hành nghề nghiệp theo luật pháp, tận tụy với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Tôn trọng và chân thành hợp tác với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành y.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật, có khả năng độc lập trong làm việc; tự học, cập nhật kiến để đáp ứng như cầu công việc.
- Có khả năng tự chịu trách nhiệm về kết quả công việc của bản thân. Năng động, nhiệt tình, có tinh thần sáng tạo, đổi mới, hợp tác trong công việc.
- Có khả năng làm việc nhóm, dẫn dắt về chuyên môn nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về công việc của nhóm, bộ phận được giao phụ trách, quản lý.
5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng sau khi tốt nghiệp, được đào tạo đáp ứng đầy đủ năng lực chuyên môn có nhiệm vụ chẩn đoán, điều trị và quản lý các vấn đề sức khỏe thông thường; cung cấp chăm sóc sức khỏe tổng quát ban đầu, theo dõi tình trạng sức khỏe và quản lý bệnh nhân; tư vấn, giáo dục bệnh nhân về sức khỏe và phòng ngừa bệnh theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLTBYT-BNV ngày 27/5/2015 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Y sỹ đa khoa.
Một số vị trí việc làm, công việc cụ thể của ngành Y sỹ đa khoa:
- Tham gia sơ cứu ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường cho nhân dân tại Trạm Y tế và quản lý sức khỏe cộng đồng khu vực phụ trách: Tiếp nhận bệnh nhân, lắng nghe và thu thập thông tin về triệu chứng, lịch sử bệnh, và tình trạng sức khỏe hiện tại.
- Chăm sóc tổng quát: Người Y sỹ đa khoa cung cấp chăm sóc tổng quát cho bệnh nhân bao gồm tầm soát sức khỏe định kỳ, cung cấp các lời khuyên về: Dinh dưỡng, tập thể dục và lối sống lành mạnh để các bệnh nhân thay đổi và tiến triển nhanh nhất cho sức khoẻ. Ngoài ra, Y sỹ đa khoa còn theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân theo thời gian, quản lý các bệnh mạn tính, và đề xuất các biện pháp phòng ngừa bệnh tật.
- Quản lý bệnh nhân: Y sỹ đa khoa cũng có nhiệm vụ quản lý bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Theo dõi sự tiến triển của sức khoẻ bệnh nhân, đánh giá hiệu quả của điều trị và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc sức khoẻ nếu cần thiết. Các Y sỹ đa khoa cũng cung cấp hướng dẫn và giáo dục cho bệnh nhân về việc quản lý bệnh lý và theo dõi tình trạng sức khỏe cá nhân. Xây dựng tủ thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn và hợp lý. Trong đó cũng có kế hoạch quản lý các nguồn thuốc; xây dựng phát triển thuốc nam, kết hợp ứng dụng y học cổ truyền trong phòng và chữa bệnh.
- Chuyển tiếp chuyên môn: Các Y sỹ đa khoa xây dựng, lên kế hoạch hoạt động và lựa chọn chương trình ưu tiên về chuyên môn y tế trong phạm vi phụ trách. Trong một số trường hợp, Y sỹ đa khoa có thể chuyển tiếp bệnh nhân đến các chuyên gia chuyên môn khi cần thiết. Trong đó các Y sỹ đa khoa đóng vai trò cung cấp thông tin và hướng dẫn cho bệnh nhân về các chuyên gia phù hợp để tiếp tục quá trình chẩn đoán và điều trị. Quản lý các chỉ số sức khỏe, quản lý thai, quản lý bệnh nhân mãn tính theo chỉ định của bác sĩ tại cộng đồng và tổng hợp báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật.
- Tư vấn và giáo dục: Y sỹ đa khoa cũng đóng vai trò tư vấn và giáo dục bệnh nhân về các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh, phòng ngừa bệnhvà cách duy trì một lối sống lành mạnh. Cùng với đó các Y sỹ đa khoa sẽ cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, và đưa ra các khuyến nghị để bệnh nhân có thể tham gia tích cực vào việc quản lý sức khỏe của mình. Tuyên truyền vận động, triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn về bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình.
- Phòng chống dịch bệnh: Phát hiện và báo cáo kịp thời bệnh dịch, ổ dịch, tác nhân gây bệnh, yếu tố nguy cơ gây dịch, bệnh đối với sức khỏe cộng đồng; Tham gia tổ chức phòng chống dịch, bệnh, các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.
- Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kỹ thuật cho nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên y tế/dân số tại cộng đồng ở địa phương;
- Tham mưu cho chính quyền xã, phường, thị trấn và cấp có thẩm quyền trong việc quản lý, thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu và tổ chức thực hiện những nội dung chuyên môn thuộc chương trình trọng điểm về y tế tại địa phương.
6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ
- Với khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đã đạt được sau khi tốt nghiệp,Y sỹ đa khoa trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn.
- Người học sau khi tốt nghiệp Y sỹ cao đẳng có thể học tập, cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ chuyên môn như chuyên khoa sơ bộ, chứng chỉ bồi dưỡng,… hoặc tiếp tục học liên thông lên các trình độ cao hơn như Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ chuyên khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ.